Mục lục
Dậy thì trước tuổi ngày càng phổ biến
Nhiều trẻ em hiện nay dù chỉ mới lớp 2, lớp 3 nhưng đã bắt đầu phát triển ngực, mông,… đều là dấu hiệu của tuổi dậy thì. Đứa trẻ nào lớn lên đều phải trải qua giai đoạn dậy thì, nhưng nếu còn quá nhỏ so với mức trung bình ở Việt Nam thì sẽ gọi là “dậy thì trước tuổi”.
Phó Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền của bệnh viện Nhi Trung ương – TS – BS Bùi Phương Thảo phát biểu, từ đầu năm đến nay, mỗi ngày đều có nhiều phụ huynh đưa con đến kiểm tra dậy thì. Đáng nói là trong số đó, gần 50% trường hợp xuất hiện dấu hiện dậy thì sớm. Đây là số liệu tính ở đối tượng người khám là trẻ em. Trong khi đó, những năm về trước, mỗi năm chỉ có khoảng 10 trường hợp của vấn đề này. Điều đó cho thấy, mức độ trẻ dậy thì sớm đang ngày một tăng cao.
Dậy thì trước tuổi một phần do thói quen ăn uống
Đối với các bé dậy thì quá sớm, bệnh viện sẽ có các biện pháp đúng đắn để ức chế quá trình phát triển quá đà của các em. Trong đó cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, bệnh nhi, và bệnh viện. Vì thực tế, thói quen ăn uống mà cha mẹ đang áp dụng lên con cái, đôi khi lại là một phần lí do của chứng dậy thì sớm.
Khi bé gái dưới 8 tuổi mà đã có đặc điểm sinh dục phụ, ở nam thì trước 9 tuổi, đều được cho là đang dậy thì trước tuổi. Số liệu công bố ở châu Mỹ và châu Âu cho thấy, từ năm 1890, độ tuổi trung bình có hiện tượng kinh nguyệt hay xuất tinh là từ 16 – 17 tuổi. Sau khoảng 1 thế kỷ, con số trung bình này giảm còn từ 11 – 12 tuổi. Chưa dừng lại ở đó, chỉ vài chục năm sau, độ tuổi này lại tiếp tục giảm. Có thể nhận ra một quy tắc rằng thế giới càng phát triển hiện đại thì độ tuổi mà bé dậy thì càng sớm hơn.
Môi trường sống cũng là một phần nguyên nhân của dậy thì trước tuổi
Theo bác sĩ Thảo, một nguyên nhân khác gây dậy thì trước tuổi là do môi trường sống thay đổi liên tục, trẻ không kịp thích nghi. Một số tài liệu đề cập rằng ở trẻ bị béo phì, thừa cân, thường sớm đến giai đoạn dậy thì hơn những đứa trẻ có thể chất bình thường.
Dấu hiệu của dậy thì sớm
Dấu hiệu nhận biết bé gái dậy thì trước tuổi là khi lên 8, tuyến vú của bé to, phát triển nhanh, hình thành lông mu, tử cung to dần, kết quả xét nghiệm tuổi xương và hooc môn đều tăng. Ở bé trai dưới 9 tuổi, có dấu hiệu tương đối giống với nữ giới là tuổi xương và hooc môn tăng lên. Bên cạnh đó, chiều cao của bé trai dậy thì trước tuổi thường phát triển nhanh lạ thường.
Hãy hiểu đơn giản rằng dậy thì trước tuổi là hiện tượng cơ thể thay đổi và phát triển sớm hơn. Có vẻ nó sẽ chẳng có gì là nguy hiểm nếu bạn không biết rằng một số bệnh lý liên quan đến chức năng sinh sản có thể là tác nhân tiềm ẩn dẫn đến hiện tượng này. U não, u nang buồng trứng, các bệnh tuyến giáp,… là các kẻ thù của dậy thì trước tuổi. Đối với các bé gái từ 6 tuổi trở lên, những tác nhân trên tương đối hiếm gặp. Nhưng vẫn cần sự theo dõi từ người có chuyên môn.
Tác hại của dậy thì trước tuổi
Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam – TS Trương Hồng Sơn cho hay thời buổi này đã không còn quan niệm “nữ thập tam, nam thập lục” nữa. Chăm sóc con cái nói chung cần đi theo sự tiến bộ của khoa học và thế giới.
Dậy thì trước tuổi ảnh hưởng đáng kể đến trẻ vì có thể làm chúng cảm thấy tự ti với bạn bè. Đặc biệt là ở các bé gái khi chẳng may có phần ngực phát triển vượt bậc hơn các bạn và xuất hiện kinh nguyệt. Nhưng đó chỉ là tác hại vô hình. Vẫn còn nhiều ảnh hưởng hữu hình của dậy thì trước tuổi. Hiện tượng này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng chiều cao của bé. Các chỉ số về phát triển con người cho thấy, trong trường hợp “chín sớm”, các bé gái thường có chiều cao thấp hơn khoảng 12cm so với các bạn đồng trang lứa. Trong khi đó, ở bé trai, các em sẽ thấp hơn tù 15 đến 20 cm nếu dậy thì sớm.
TS Sơn giải thích thêm, ngoài các tác nhân bệnh lí, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến hiện tượng dậy thì trước tuổi của bé là thói quen ăn uống, đặc điểm sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, béo phì là nguyên nhân tương đối phổ biến. Căn bệnh này gây ảnh hưởng đến một số hooc môn. Một khi cơ thể hấp thu quá nhiều chất béo, các hooc môn leptin sẽ tăng lên, trở nên dư thừa. Lâu ngày sẽ dẫn đến hiện tượng nêu trên.
Phòng tránh dậy thì sớm
Để tránh dậy thì trước tuổi, các bậc phụ huynh nên chú tâm nhiều vào chế độ dinh dưỡng cho bé nhằm hạn chế thừa cân, tránh béo phì. Hãy tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi,… Đồng thời, hạn chế tối đa sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn cho bé. Các loại nhựa độc hại tới sức khỏe bé là BPA, PVC.
Uống nhiều sữa có phải là tác nhân dẫn đến dậy thì trước tuổi?
TS Sơn chia sẻ, suốt 30 năm nay, có rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nỗ lực nghiên cứu vấn đề liệu sữa có phải là tác nhân gây dậy thì trước tuổi hay không. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn nào cho giả thuyết này.
Suốt quá trình nghiên cứu, các chuyên gia xoay quanh vấn đề sữa gây dậy thì trước tuổi vì nó liên quan đáng kể đến loại hooc môn tăng trưởng – rBGH. Được biết đây là loại hooc môn có trong cơ thể bò, có chức năng đẩy mạnh quá trình tiết sữa của bò lên khoảng 10%. Trong khi đó còn có một loại hooc môn khác là IGF-I – có công dụng giúp bò lớn nhanh hơn. Ở sữa đậu nành – thức uống quen thuộc với người Việt – chứa lượng lớn hooc môn isoflavone. Loại hooc môn này tương tự như estrogen – hooc môn nữ giới.
Tuy nhiên trong thực thế, dạ dày người có các men và dịch axit. Khi ăn uống, các men và dịch này sẽ hoạt động để axit hóa các hooc môn kể trên, khiến chúng bất hoạt. Thực chất, các hooc môn đó chỉ phát huy tác dụng khi được truyền qua đường tiêm.
So với trẻ em trên thế giới, tại Việt Nam, trẻ thường ít uống sữa hơn. Số liệu thống kê của Viện dinh dưỡng, trẻ em Việt Nam trung bình mỗi bé chỉ uống 15 lít sữa trong năm. Con số này còn chưa bằng phần lẻ trong lượng sữa mà trẻ em ở Israel tiêu thụ – 120 lít mỗi năm.
Nguồn tham khảo: Eva.vn
Hồng Minh