Mục lục
Tật cận thị sớm ở trẻ em ngày càng phổ biến
Đôi mắt luôn được gọi với cụm từ “cửa sổ tâm hồn” nhưng hiện nay ngày càng có nhiều người phải đeo cặp kính dày cộm cho đôi mắt của họ. Điều đáng nói là ở trẻ em, khi công việc chính của các em là học tập và ăn ngủ, nhiều em đã phải đeo kính cận. Rõ ràng em đã bị cận thị sớm nếu không muốn nói là quá sớm.
Khi bé Phi Phi được 3 tuổi, gia đình của em đã nhận thấy bé có dấu hiệu yếu thị lực nên quyết định đưa bé đến khám ở bệnh viện. Sau khi đo đi đo lại mấy lần, người nhà bàng hoàng khi nghe bác sĩ thông báo em Phi đã bị cận thị lên đến 10 độ. Gia đình Phi Phi vô cùng lo lắng, họ đều không hiểu vì sao con còn nhỏ tuổi mà đã cận nặng đến như vậy. Khi được hỏi thêm, mẹ cháu cho biết bố của em cũng bị cận tận 13 độ. Vì vậy khả năng cao bé Phi bị cận là do gen di truyền từ người bố.
Gia tăng độ cận không phanh
Lên 6 tuổi, Phi Phi trở lại bệnh viện tái khám. Kết quả đo thị lực cho hay độ cận đã tăng lên, trong khi mắt trái cận 11 độ thì mắt phải cận đến 12 độ. Bác sĩ nghi ngờ mắt bé Phi gặp vấn đề không ổn về võng mạc. Đồng thời, các bác sĩ ở bệnh viện mắt Đông Quan bày tỏ sự quan ngại khi dự đoán độ cận của bé Phi có thể tiếp tục tăng. Nếu không được giải phẫu để điều trì, nguy cơ cao sẽ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm hơn.
Người nhà bé Phi Phi nhanh chóng thống nhất với bệnh viện và ca phẫu thuật được tiến hành sau đó không lâu. Kết thúc ca giải phẫu mắt tương đối thành công, người nhà bé đã có quyền hy vọng rằng bé sẽ tránh xa được những biến chứng xấu về mắt cũng như thị lực hồi phục dần.
Tại sao các bé tuổi còn rất nhỏ mà đã cận thị nặng?
Một chuyên gia thuộc Hiệp hội Y khoa Mắt trẻ em (trực thuộc Hiệp hội y khoa Trung Quốc) giải thích hiện tượng cận thị sớm ở trẻ rằng: trong số rất nhiều trường hợp cận thị sớm ở trẻ, có hai nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này. Một là do di truyền, hai là do chế độ sinh hoạt thiếu khoa học.
Cận thị sớm do gen di truyền
Khi cha mẹ bị cận thị ở độ cao thì rất có khả năng con cái cũng sẽ sớm bị cận thị. Thông thường, nếu cha mẹ bị cận từ dưới 3 độ, rủi ro di truyền chứng cận thị sang con cái là không đáng kể. Nhưng trong trường hợp bố mẹ bị cận từ 6 độ trở lên, gần như 100% con cái sẽ bị di truyền.
Xem điện thoại, máy tính liên tục gây cận thị sớm
Thời đại mới, trẻ em sớm được tiếp xúc và sử dụng điện thoại, máy tính bảng, vi tính ngay khi còn bé. Việc suốt ngày bé dán mắt vào game điện tử, phim ảnh sẽ làm cho những bức xạ từ các công cụ điện tử gây tổn hại trực tiếp tới mắt. Lâu ngày, khi bé có dấu hiệu mỏi mắt, mắt lờ đờ, chính là lúc thị lực bắt đầu giảm.
Bé học quá nhiều, học trong điều kiện thiếu sáng
Tỉ lệ cận thị ở trẻ em tăng lên một phần là do thói quen học tập thiếu hợp lí của các em. Hiện nay, nhiều bé đi học cả ngày ở trường, tối về lại đi học thêm. Ban đêm sẽ là thời gian chủ yếu để bé làm bài tập, ôn bài chuẩn bị cho ngày hôm sau. Như vậy trong một ngày, đôi mắt của bé hầu như ít được nghỉ ngơi.
Khi bé từ 7 đến 9 tuổi và từ 12 đến 14 tuổi, đều là độ tuổi mà nếu bé ngủ không đủ giấc hoặc do học tập quá sức dẫn đến thiếu thời gian ngủ, nguy cơ rất cao bé sẽ bị cận thị.
Cách phòng ngừa cận thị sớm ở trẻ
Sinh hoạt dưới độ sáng thích hợp
Hãy cố gắng đảm bảo cho các con được học tập và sinh hoạt có đủ ánh sáng. Ánh sáng quá mờ, chập chờn hay quá mạnh đều khiến mắt bé mệt mỏi. Tuyệt đối tránh để bé đọc sách trong mùng, viết bài liên tục trong thời gian dài mà không nghỉ giải lao. Tất nhiên bé cũng không nên dùng điện thoại hay xem ti vi suốt 2 – 3 tiếng đồng hồ.
Hướng dẫn bé có cự li từ mắt đến sách, vở hợp lí, an toàn
Thông thường, khoảng cách an toàn từ mắt đến trang sách, vở là từ 30 – 50 cm. Đồng thời tư thế ngồi học của bé cũng phải thẳng lưng, ngay ngắn. Khi viết bài, hãy nhắc bé không nghiêng đầu sang một bên. Tránh vừa đọc sách khi đang nằm hoặc đọc bài trong khi ăn.
Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lí
Hãy cho các con ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin và protein như trứng gà, cá hồi, rau cải, cà rốt, thịt bò,.. Khi học tập căng thẳng, nên khuyến khích bé nghỉ xả hơi ngắn bằng cách uống một cốc nước hoa quả, hay mát-xa nhẹ nhàng quanh vừng mắt. Đồng thời vận động bé tích cực tập thể dục, thể thao.
Đưa bé đi kiểm tra thị lực ít nhất một lần trong năm
Để đảm bảo con có thị lực tốt và sớm phát hiện các bệnh về mắt tiềm năng, hãy đưa trẻ đi kiểm tra mắt ít nhất một lần trong năm. Thời điểm hợp lí nhất để kiểm tra thị lực cho bé là đầu năm học mới. Nếu thị giác yếu và tình trạng mắt mập mờ kéo dài không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ mù lòa trong tương lai. Nhất là trong giai đoạn từ 6 tuổi trở lên đến khoảng 9 tuổi là lúc mắt phát triển nhanh nhất, cần đặc biệt lưu ý.
Nguồn tham khảo: Eva.vn
Hồng Minh