Mục lục
Trẻ nhỏ và sở thích “cắn móng tay”
Cô Triệu có đứa con gái năm nay đã 4 tuổi. Bé trông rất đáng yêu, thông minh, ai nhìn cũng thấy thích. Nhưng trong chuyến du lịch gần đây cùng gia đình ở Nhật Bản, cô Triệu phát hiện con gái mình rất hay cắn móng tay và nguy hiểm hơn là thường xuyên bị chảy máu ở đầu ngón tay. Thấy dấu hiệu khả nghi, cô đến gặp chuyên gia và được khuyên là phải ngăn chặn hành vi tự cắn móng của con gái.
Hậu quả của cắn móng tay thường xuyên ở trẻ nhỏ
Móng tay mềm, yếu, dễ biến dạng, ảnh hưởng đến tổng thể của cá nhân
Nhiều đứa trẻ có thói quen cắn móng tay. Thậm chí khi móng mới chưa kịp mọc chúng vẫn cắn tiếp. Hành vi thiếu ý thức này dẫn đến đầu ngón tay bị chảy máu, làm tổn hại nghiêm trọng các mô da vùng móng tay. Từ đó dẫn đến các thay đổi hình dạng và độ cứng của móng, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của móng. Nếu cắn móng tay lâu ngày và thường xuyên cũng sẽ khiến răng bị biến dạng. Miệng bé có thể bị thụt vào hoặc nhô ra, tác động đến ngoại hình tổng thể của bé.
Gây nhiễm khuẩn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột
Bàn tay của trẻ tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều thứ. Vì vậy trên móng tay của bé, rất nhiều siêu khuẩn, vi khuẩn đang ẩn nấp có khả năng gây bệnh. Cắn móng tay khiến các loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, vào đường ruột. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh giun đũa, viêm dạ dày và mắc một số bệnh về tiêu hóa khác.
Ở Việt Nam đã có rất nhiều trường hợp bị nhiễm khuẩn đường ruột, mổ ruột thừa vì tật cắn móng tay trong thời gian dài. Đáng trách là cha mẹ lại dửng dưng trước hành vi không tốt này của con cháu. Khi ý thức của bé chưa làm chủ được mọi hành động thì sự can thiệp và theo sát của cha mẹ là hết sức quan trọng.
Cắn móng tay là nguyên nhân dẫn đến một số thay đổi trong hành vi và tính cách của bé
Nếu bé thích cắn móng tay thì đó có thể là dấu hiệu của tính tự ti. Cũng có thể là do bé có một số áp lực về tâm lý khó giải bày. Vì vậy bé chỉ có thể chọn cắn móng tay như một giải pháp để giải tỏa tâm lý. Khi người nhà không chú ý, dần dần những điều này sẽ làm cho bé tự ti, mặc cảm. Đôi khi bé sẽ có những hành động kỳ quặc, trực tiếp ảnh hưởng đến việc giao tiếp của bé với mọi người xung quanh.
Khi trẻ thường cắn móng tay, nguyên nhân cũng có thể là do bé bị thiếu hụt các nguyên tố vi lượng cần thiết như kẽm. Trong trường hợp này, các bậc phụ huynh nên xem xét ý kiến tư vấn của các chuyên gia kịp thời để sớm bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho trẻ. Trong mỗi bữa ăn, hãy tập cho bé ăn nhiều rau củ, tráng miệng bằng trái cây tươi nhằm bổ sung các vitamin cần thiết.
Bên cạnh đó, một số bé thường để tâm đến lời nói và đánh giá của người khác. Nhất là khi bị chỉ trích, phê bình, chúng sẽ thấy mất tự tin, từ đó có cảm giác hụt hẫng rồi muốn tìm cách để trút giận. Một trong những cách đó là cắn móng tay. Do đó, cha mẹ thay vì la mắng con, hãy cố gắng dùng những ngôn từ nhẹ nhàng để dạy con.
Cha mẹ nên làm gì khi bé cứ thường xuyên cắn móng tay?
Tìm hiểu, chủ động chia sẻ và cố gắng làm dịu tâm lý cho bé
Các bậc phụ huynh có thể lấy những ví dụ thực tế để giải thích với bé rằng, cắn móng tay là hành vi gây mất vệ sinh, kém văn minh. Nó còn góp phần làm gia tăng tốc độ sinh sôi của vi khuẩn, từ đó là nguồn gốc gây bệnh. Và tất nhiên, phòng bệnh lúc nào cũng dễ thực hiện hơn chữa bệnh. Hãy cố gắng tuân theo các hướng dẫn tích cực, trò chuyện với các nhiều hơn. Qua đó bạn hiểu được sâu hơn vấn đề mà con bạn đang gặp phải. Bạn sẽ dễ tìm ra hướng giải quyết hơn thay vì đứng nhìn con đưa tay vào miệng.
Cùng bé thực hiện những việc có ý nghĩa nhằm phân bổ sự chú ý của chúng
Bạn chắc chắn biết rằng cắn móng tay sẽ làm cho các viền móng tay không đều nhau. Thấy sự bất đồng đều, bé sẽ tiếp tục cắn. Vì lí do này, hãy luôn giữ cho móng tay bé sạch sẽ và cắt móng thường xuyên, ít nhất là 1 tuần 1 lần. Điều này sẽ góp phần làm thay đổi thói quen cắn móng tay của bé.
Bên cạnh đó, hãy tập cho bé thực hiện những việc có ý nghĩa. Ví dụ như phụ mẹ lặt rau, quét nhà, cùng bố tập thể dục, đọc sách,… nhằm giúp bé hình thành một thói quen sinh hoạt tích cực. Khi có được những việc làm yêu thích, bé sẽ dần vơi đi thói quen xấu của mình. Thay vào đó, bé sẽ cùng bạn sống vui vẻ hơn, ít áp lực hơn.
Nguồn tham khảo: Eva.vn
Hồng Minh