Mục lục
Bé gái 10 tuổi bị suy tim nặng
Khoa Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương) vừa thông báo họ đã cấp cứu thành công cho trường hợp bé 10 tuổi nhập viện trong tình trạng suy tim nặng vì vị một loại vi khuẩn cực hiếm gặp tấn công. Bé tên N.Q.V, sống cùng gia đình ở tỉnh Phú Thọ.
Gia đình bé V. cho biết, từ 3 tuần trước khi nhập viện, bé liên tục bị sốt cao, không phản ứng với thuốc hạ sốt. Gia đình đưa bé đến một vài phòng khám tư gần nhà nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm. Sau đó, người nhà đưa em đến bệnh viện Nhi trung ương. Thời điểm nhập viện, bé có hơi thở yếu, nhịp tim rối loạn, phải dùng máy trợ thở. Bước đầu bác sĩ kết luận bé bị suy tim cấp độ nặng. Em được chuyển đến phòng hồi sức tích cực để theo dõi thêm.
Tình hình sức khỏe vô cùng nguy cấp
Giám đốc Khoa Tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi Trung ương – TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường chia sẻ: kết quả siêu âm cho thấy ở tim bệnh nhi, phần van động mạch chủ bị tổn thương cực nặng. Các bác sĩ chẩn đoán một loại vi khuẩn độc hại đã xâm nhập và ăn mòn dần, tạo thành khối sùi ở van tim. Tình trạng nặng đến nổi bé đã bắt đầu có dấu hiệu của biến chứng dọa phù phổi. Điều này là cực kỳ nguy hiểm vì có thể khiến đột tử bất cứ lúc nào.
Bé V. vốn đã có bệnh tim bẩm sinh. Do đó, hoạt động hệ tuần hoàn của em không tốt như những đứa trẻ bình thường khác. Bệnh của em được chẩn đoán là do sự xâm nhập. Sự tấn công mạnh mẽ của loại vi khuẩn này tăng nhanh trên nền có bệnh lí về tim của bé. Vi khuẩn trú ngụ ở van động mạch chủ, ăn mòn van tim, hút máu rồi sinh sôi nảy nở.
Áp dụng phương pháp thay van tim nhưng đầy rủi ro
Bác sĩ Trường giải thích, van động mạch chủ có chức năng bơm và đẩy máu từ tim đến các bộ phận trên cơ thể theo một chiều, đồng thời ngăn cản dòng máu chảy trào ngược về tim. Do đó, khi van tim bị tổn thương, máu khi vận chuyển sẽ trào ngược, từ đó tạo nên áp lực đáng kể lên phần tim trái và dẫn đến suy tim. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phù phổi.
Với trường hợp của bé V, bệnh viện nhận định để điều trị cho bé là vô cùng khó khăn. Thứ nhất, bé có tiền sử bệnh tim, cơ thể nhỏ nhắn khá yếu ớt. Thứ hai, bệnh viện không có sẵn những thiết bị y tế chuyên dụng phù hợp nhất để thực hiện thay van tim cho bé. Đồng thời, bé còn quá nhỏ tuổi, nên các phương pháp phổ biến như dùng chính màng tim của em để tạo thành lá van mới cũng là rất mạo hiểm nếu thực hiện.
Tình hình bệnh của bé cũng đang nguy kịch, cần điều trị gấp. Vì vậy, bệnh viện đã chủ động liên hệ với các đơn vị y tế lân cận nhằm tìm van tim thay thế với kích thước phù hợp với bé V. May mắn đã mỉm cười vì rất nhanh sau, loại van tim phù hợp đã được tìm thấy.
Ca phẫu thuật mạo hiểm cho bệnh nhi suy tim
Bước vào ca phẫu thuật, các bác sĩ không quên nhắc lại với gia đình rằng tỉ lệ thành công rất nhỏ. Cuối cùng sau 9 tiếng chiến đấu kiên cường trên giường mỗ, bé V. đã chiến thắng căn bệnh quái ác. Như một phép màu, bé V. hồi phục tương đối nhanh. Chỉ sau một ngày ở phòng hồi sức sau phẫu thuật, bác sĩ đã rút ống khí quản cho bé.
Sau gần nửa tháng phẫu thuật thành công, kết quả chụp van tim cho thấy không còn vấn đề bệnh. Đồng thời, hoạt động bơm máu ở van tim đã cải thiện đáng kể. Không còn trạng thái máu trào ngược như trước nữa. Bác sĩ Trường cho biết, van tim mới sẽ đồng hành cùng bé đến khi trưởng thành. Chỉ khi sau này khi cân nặng của bé vượt 60kg thì mới cần thay van tim mới. Nhưng người nhà có để thở phào nhẹ nhõm hơn bởi khi trưởng thành, sức khỏe của bé cũng đã vững chắc hơn. Đồng thời, việc tìm van tim thay thế cho người trưởng thành cũng dễ dàng hơn.
Lời cảnh tỉnh với cha mẹ có con có tiền sử bệnh tim
Qua trường hợp của bé V. có thể nói cận kề với ranh giới của sự sống, bác sĩ Trường khuyên các cha mẹ nếu thấy bé sốt cao và kéo dài từ 5 ngày trở lên, thì cần nhanh chóng đưa bé đi khám. Thời gian sẽ cấp bách hơn với trường hợp bé có tiền sử bệnh tim. Hãy chú ý đối với những bé có thân hình nhỏ bé. Nếu thời gian dài bạn thấy bé không tăng cân, vã nhiều mồ hôi khi ngủ,… thì có thể bé đang có dấu hiệu bệnh lí về tim.
Bạn cũng đủ hiểu sự nguy hiểm của bệnh tim với thói hiếu động, tinh nghịch của trẻ nhỏ. Chỉ cần chạy vội rồi ngồi xổm xuống, bé có thể không lường trước được triệu chứng nhồi máu cơ tim. Do đó, bạn cần chủ động trước hơn là chờ đợi.
Nguồn tham khảo: Eva.vn
Hồng Minh