Viêm não Nhật Bản luôn rình rập quanh trẻ nhỏ bạn tuyệt đối không được lơ là

viem-nao-nhat-ban-2

Trẻ em luôn đối mặt với nguy cơ bị viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản rất thường gặp ở trẻ em, nhất là ở các vùng khi hậu nhiệt đới hanh khô, nóng bức. Việt Nam là một trong những khu vực có tỉ lệ ca mắc viêm não Nhật Bản cao. Phó khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương – TS. BS Đỗ Thiện Hải cho hay, đầu mùa hè từ tháng 4 trong năm, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 trường hợp viêm não Nhật Bản, chủ yếu là ở trẻ nhỏ.

Bác sĩ Hải cho biết thêm, phần lớn các bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng nặng. Một số trường hợp đã đi đến biến chứng thần kinh, biến chứng vận động, không kiểm soát được ý thức. Bác sĩ Hải giải thích nguyên nhân đa phần  là do người nhà thường lơ là thời điểm tiêm tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản định kỳ cho con. Một số khác thì chủ quan, tự tin vào khả năng tự hồi phục của bé mà không đưa con đến bệnh viện kịp thời, dẫn đến bệnh tiến triển xấu hơn.

viem-nao-nhat-ban-1
Trẻ em là đối tượng chính của viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản cần được phát hiện sớm để điều trị

BS Hải chia sẻ, thời gian đầu của căn bệnh, có một số dấu hiệu khá rõ ràng mà người nhà có thể sớm nhận ra để đưa con đến trung tâm y tế điều trị kịp thời. Ông giải thích, thời điểm tốt nhất để điều trị bệnh viêm não Nhật Bản, cũng như hạn chế tối đa các di chứng xấu là trong vòng 2 ngày kể từ lúc bị nhiễm virus. Vậy mà nhiều phụ huynh đưa bé đi khám rất muộn, đến khi có những biển hiện xấu mới lo lắng.

Thông thường, từ 1 đến 2 ngày đầu nhiễm virus viêm não Nhật Bản, trẻ thường có các biểu hiện như sốt nhẹ, đau đầu, thể trạng mệt mỏi, đôi khi buồn nôn. Mức độ của các triệu chứng tăng dần qua từng ngày. Trong số  những triệu chứng trên, nhiều cha mẹ nhầm lẫn nôn khan và sốt như các bệnh vặt không đáng kể ở trẻ. Chính điều đó là nguyên nhân dẫn đến biến chứng nguy hiểm hơn.

Phân biệt viêm não với sốt vặt

Nếu là sốt vặt, sau khi cho bé uống thuốc hạ sốt thông thường, bé sẽ nhanh chóng giảm cơn sốt, sớm ăn ngoan và chơi ngoan như ngày thường. Tuy nhiên, với virus viêm não, bé hầu như sẽ không phản ứng với bất kỳ thuốc hạ sốt nào. Nếu có, chẳng qua đó là biểu hiện hạ sốt tạm thời. Khi thuốc hết tác dụng, bé sẽ trở lại trạng thái mệt mỏi, ngủ li bì, hay quấy khóc,… Nếu bé có biểu hiện đau đầu thì đó chính là bước đầu của biến chứng rối loạn hệ thần kinh trung ương.

Khi thấy bé bị nôn khan, một số người mẹ lại cho rằng bé đã không hợp với một vài món ăn nào đó, hay đơn giản là chút bệnh vặt ở đường tiêu hóa. Sau đó họ tham khảo vài thông tin trên mạng rồi cho bé uống men tiêu hóa với hy vọng xoa dịu cơn nôn của bé.

Nhưng đối với bệnh viêm não, nôn khan là triệu chứng dường như không mấy liên quan đến chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Nôn khan kèm theo đau đầu, sốt, mệt mỏi tăng dần đều là dấu hiệu của viêm não Nhật Bản.

Khi người nhà không nhận ra sớm biểu hiện bệnh của bé, mà lại tự xử lí theo phương pháp riêng, những chuyển biến là rất khó đoán. Sức khỏe và thậm chí là tính mạng của bé sẽ bị ảnh hưởng.

Viêm não Nhật Bản dễ để lại di chứng

Qua vài lời giải thích trên, bác sĩ Hải khuyên các gia đình nếu thấy con nhỏ có các dấu hiệu như ngủ nhiều, sốt, đau đầu thì tốt nhất là đưa bé đến các cơ sở y tế đủ chuyên môn để xét nghiệm kịp thời. Nếu để lâu, bệnh chuyển biến xấu hơn, việc điều trị và phục hồi cho bé sẽ vô cùng khó khăn và gặp nhiều rủi ro.

Trong hàng loạt di chứng mà viêm não Nhật Bản để lại, nặng nề nhất là những hệ quả xấu lên thần kinh, vận động và hô hấp. Bác sĩ Hải nhấn mạnh, khoa nhi của bệnh viện đang nỗ lực điều trị cho nhiều ca với biến chứng độ nặng. Nhiều em còn không làm chủ được ý thức nữa. Một số bé vẫn còn nhận ra cha mẹ, người thân nhưng gần như bất động trên giường bệnh.

Phương pháp phòng ngừa viêm não Nhật Bản cho bé

Tiêm ngừa

Hiện nay, tiêm ngừa là phương pháp tối ưu nhất trong phòng tránh. May mắn là vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản đã được đề cập trong chương trình tiêm chủng quốc gia của bộ y tế. Thời gian tiêm ngừa cho bé được bộ y tế khuyến cáo như sau:

Mũi đầu tiên: khi bé 1 tuổi

Mũi thứ 2: tiêm sau mũi đầu tiên từ 1 đến 2 tuần

Mũi thứ 3: tiêm sau 1 năm kể từ khi tiêm mũi thứ 2

Tất cả hộ gia đình có trẻ nhỏ cần nhớ rằng, 3 mũi tiêm phòng này sẽ chỉ phát huy hiệu quả bảo vệ bé trong vòng 5 đến 7 năm. Sau khoảng thời gian này, nồng độ các kháng thể có trong máu của bé giảm dần, làm bé giảm tiềm năng chống lại bệnh. Để tránh quên, cha mẹ nên chuẩn bị cho con sổ tiêm phòng và ghi chú thời gian tiêm ngừa của bé vào đó. Như vậy, sau vài năm, cha mẹ sẽ có căn cứ chính xác để quyết định tiêm ngừa lại cho bé. Và cố gắng duy trì việc này cho đến khi bé đủ 15 tuổi.

viem-nao-nhat-ban-3
Tiêm ngừa định kỳ phòng viêm não Nhật Bản

Một số biện pháp khác

Bên cạnh đó, phòng bệnh viêm não Nhật Bản còn nhờ vào vệ sinh môi trường sạch sẽ; thường xuyên dọn dẹp xung quanh nhà ở, chuồng trại,… Mục đích chủ yếu là tránh sự sinh sôi của muỗi. Đồng thời, gia đình cần chú ý không để bé chơi ở các địa điểm ẩm ướt, rậm rạp,… như chuồng gia súc, gần bụi cây,… vì đó đều là nơi muỗi ẩn nấp, nhất là lúc chập tối.

Trích dẫn từ Eva.vn

Hồng Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *