Giữa vùng đất Trường Sa xa xôi của Tổ quốc, có những lớp học đặc biệt bên bờ sóng. Dưới ngôi trường đầy nắng gió, khí hậu khắc nghiệt ấy là những thầy giáo trẻ đang âm thầm cống hiến hết sức mình mang đến con chữ cho các em nhỏ bằng cả tuổi thanh xuân. Họ cố gắng vì học sinh Trường Sa, vì sự lớn mạnh của “vùng sóng gió khơi xa” nơi xa nhất của đất nước Việt Nam.
Những lớp học ở đây đều được gọi là “lớp học đặc biệt”. Sở dĩ nó đặc biệt vì trong khuôn viên của căn phòng có 8 em, chia thành 5 lớp mà sĩ số của mỗi lớp không đông, có lớp một em, có lớp 2 em và chỉ có một giáo viên chủ nhiệm chung cho cả 5 lớp. Có bốn chiếc bảng gắn quanh bốn bức tường, để thầy giáo dạy hết cho lớp này đến lớp kia.
Mục lục
Học xoay… vòng
Theo thầy Tình chia sẻ, thầy dạy theo kiểu xoay vòng. Sau khi thầy hướng dẫn tập viết lớp 1, sẽ kiểm tra bài tập toán lớp 2, xong sang giảng bài cho học sinh lớp 3… Khi dạy lớp này thì những lớp kia tự quản và làm bài tập. Vì học sinh cũng ít nên không khó dạy. Ở đây, thi đua mang tính cộng đồng, không có phân biệt giữa lớp này với lớp kia.
Trên đảo có khoảng đến chục trẻ nhưng số ở độ tuổi đến lớp là 8 em. Lớp học của thị trấn Trường Sa Lớn chỉ dạy ở cấp tiểu học, lên lớp 6 các cháu sẽ được đưa vào đất liền để tiếp tục học lên. Lớp của của thầy Tình phụ trách hiện có một cháu mẫu giáo lớn, hai bé lớp 1, hai em lớp 2, hai em lớp 3 và một em lớp 5. Trong lớp có hai cháu có học lực giỏi, còn lại là học lực khá.
Các em được Học bản lĩnh kiên cường của lính Trường Sa
Song hành với việc học kiến thức, các em còn được học bản lĩnh của người chiến sĩ Hải quân Trường Sa rất kiên cường trước muôn vàn bão tố. Mục tiêu của nhà trường và thầy cô, đó là không chỉ bên cạnh dạy chữ, mà còn còn dạy cho các em tinh thần thép của người dân sống trên đảo. Khi có “sự cố”, mỗi người dân sẽ là một chiến sĩ, mỗi gia đình ngư dân sẽ là một pháo đài, mỗi em học sinh là một chú liên lạc viên “Lươm” kiên cường, dũng cảm và “Sợ chi hiểm nghèo”.
Ngoài ra, các em nhỏ còn được các chú bộ đội hướng dẫn tập thể dục để rèn luyện sức khỏe, hướng dẫn ôn bài. Các chú rất tận tình, có nhiều tối, các chú bộ đội đến gia đình chỉ bài cho các cháu. Sáng nghe còi là báo thức là các cháu chạy ra bờ biển. Có nhiều bữa các cháu theo các chú bộ đội để luyện tập thể dục thể thao.
Được học chữ giữa vùng song khơi xa, được học tinh thần “thép” của các chú bộ đội Hải quân trên đảo, em Nguyễn Viết Anh, học sinh lớp 5 ngày nào cũng dậy sớm hơn để cùng các chú bộ đội tập thể dục sáng. Em thường xuyên cùng các bạn ra thao trường xem các chú bộ đội tập ngắm súng, tập các bài võ thể dục “đánh địch đối kháng” sau giờ học. Việt Anh nói: “Con rất vui khi được các chú chỉ đi đều một hai. Sau này lớn lên, con muốn đi bộ đội. Con thích ở Trường Sa hơn”.
Giáo dục tình yêu thương Tổ quốc
Hiện toàn quần đảo Trường Sa có 4 trường Tiểu học cơ sở tại các đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn và Nam Yết. Ngoài học chương trình chung, các em học sinh ở đây còn được học về tình yêu biển đảo của Tổ quốc, về tình nhân ái và quan hệ quân dân, cũng như nếp sống văn minh giữa vùng đất muôn trùng sóng gió Trường Sa.
“Các em học sinh đang sống ở đảo Trường Sa cũng được dạy về lòng yêu nước; sự trao gửi và cho nhận. Trong thời đại 4.0 hiện nay, khi mà mạng internet đi vào cuộc sống rộng rãi, ảnh hưởng rất nhiều vào đời sống của trẻ, thì việc giáo dục lòng nhân ái và tình yêu Tổ quốc càng thiết thực và đầy ý nghĩa. Đây cũng là một trong những phương pháp giáo dục kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của giáo dục Việt hiện nay”, thầy Bành Hữu Tình cho hay.
Về phương pháp, các thầy cô đưa việc giáo dục tuyên truyền về biển đảo lồng ghép trong những tiết học giáo dục kỹ năng sống, có tiết hướng dẫn cho các cháu về truyền thống và lịch sử của Trường Sa, đưa các cháu đi tham quan phòng truyền thống của đảo.
Phát triển thể và trí giữa môi trường đặc biệt
Lớp học đặc biệt ở thị trấn Trường Sa Lớn được bao quanh bởi màu xanh của cây bàng quả vuông, phong ba, bão táp. Cạnh đó là xích đu, cầu trượt và những trò chơi nhảy dây, kéo co… Thầy Tình cho biết, ngoài giờ học, đây là nơi để các em học sinh vui chơi, nô đùa, phát triển thể lực và trí não. Thầy cô luôn tạo cho các em có không gian mở để hoạt động ngoại khoá ngoài những giờ thực hành trên lớp. Các thiết chế giáo dục ở đảo tuy không được nhiều như ở đất liền, nhưng có tính định hướng tư tưởng và hành động tiến bộ để các em phát triển trí não, làm quen với môi trường tự vận động. Đây là phương pháp tìm tòi và phát triển tự tư duy độc lập của các em.
Ngày 20.11 năm nay, thầy trò Trường Sa cũng rộn ràng và có nhiề sắc hoa tươi như ở đất liền. Nhưng những bông hoa ấy không phải mua ngoài cửa hàng mà được chính tay cả thầy và trò trồng, chăm bón và “thu hoạch”. Và cũng chính những bông hoa nhuốm vị mặn của biển ấy chính là động lực tinh thần to lớn để các thầy giáo và các em học sinh ở “Vùng sóng gió khơi xa” có thêm quyết tâm nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ trồng người.
Trích dẫn: baovanhoa.vn