Tôn vinh nghệ nhân thực hiện di sản văn hóa phi vật thể

Những di sản văn hóa phi vật thể là một loại hình di sản đang rất cần đến sự bảo tồn, gìn giữ hiện nay. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa thật sự được nhìn nhận một cách rõ ràng và toàn diện nhất có thể. Gần đây, chính phủ đã ban hành Nghị định 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) và Nghệ nhân nhân dân (NNND). Hai danh hiệu này dùng để xét tặng cho nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 7/8/2014. Như vậy, sau 12 năm đợi chờ, Nghị định trên sẽ được ban hành và giúp chúng ta nhận diện rõ ràng hơn về những nghệ nhân tài năng và tâm huyết giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể. 

Xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể

Đến hiện tại, chính phủ đã trải qua hai đợt xét tặng danh hiệu  “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” về lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2015 và năm 2019. Theo Nghị định 62/2014/NĐ-CP vào năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, có tổng cộng 1.253 nghệ nhân được xét duyệt và phong tặng danh hiệu. Trong đó có 66 Nghệ nhân nhân dân và 1.187 Nghệ nhân ưu tú.

Thông tin về việc xét tặng danh hiệu

Loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian ca trù
Loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian ca trù

Thực hiện Nghị định 62/2014/NĐ-CP, vào ngày 9.10.2019, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 3470/QĐ-BVHTTDL trong việc ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba  năm 2021. Theo Kế hoạch, tiến độ thực hiện của các cấp Hội đồng được diễn ra từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 3 năm 2021. Sau cấp Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ sẽ thực hiện Kế hoạch từ 16 tháng 10 năm 2020 đến  01 tháng 02 năm 2021. Tiếp theo đó, Hội đồng cấp Nhà nước thực hiện từ 15 tháng 02 năm 2021 đến 15 tháng 03 năm 2021.

Được biết, trước ngày 30 tháng 3 năm 2021. Bộ VHTTDL sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba.

Đôi nét về những nghệ nhân thực hành giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể

Nghệ nhân Then Nông Thị Lìm (ở giữa) được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015
Nghệ nhân Then Nông Thị Lìm (ở giữa) được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015

Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú” cần phải bao gồm nhiều tiêu chuẩn. Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể nắm giữ và thực hành ở trình độ cao. Nghệ nhân nhân cần hiểu biết rõ về kỹ năng, kỹ thuật khi thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, nghệ nhân còn phải được cộng đồng thừa nhận.Người được cộng đồng, nhân dân gọi là nghệ nhân thường có trình độ rất cao về kỹ năng, kỹ thuật, hiểu biết về di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, họ cũng cần có đạo đức tốt trong lối sống và trong thực hành di sản văn hóa.

Đa số các nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể thường được lớn lên trong môi trường các di sản qua nhiều thế hệ thực hành. Những thế hệ đó có thể là gia đình, dòng tộc, làng xóm hoặc cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể nói chung. Họ được tiếp cận với nhiều khía cạnh của di sản văn hóa phi thật thể, từ kỹ năng, kỹ thuật, tri thức về di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời cũng biết  về các sinh hoạt văn hóa, ứng xử giữa các cá nhân, nhóm và cộng đồng thực hành. Có trường hợp người thực hành tiếp cận có sự định hướng, dẫn dắt của người thân và trong một số trường hợp khác là do nhu cầu, mong muốn hoặc đam mê tự thân.

Điều kiện để trở thành nghệ nhân thực hành giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể

Ngoài những năng lực, tố chất có sẵn, nghệ nhân còn cần rèn luyện những kỹ năng, kỹ thuật thông qua quá trình thực hành. Ngoài ra, quá trình trưởng thành về sinh học của cơ thể con người cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định người thực hành có trở thành nghệ nhân hay không. Quá trình để từ người thực hành trở thành nghệ nhân thường tốn nhiều thời gian. Những người đạt mức nghệ nhân có tuổi tầm 40-50 được cho là sớm và không chiếm nhiều.

Cách nhận diện nghệ nhân

Vì đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là khác nhau nên việc nhận diện nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể cũng dựa vào nhiều yếu tố liên quan. Những căn cứ để nhận diện là dựa vào tài năng, kỹ năng, kỹ thuật của người thực hành trong lĩnh vực nhất định. Đồng thời, việc nhận diện nghệ nhân cũng phụ thuộc vào đóng góp của người đó đến cộng đồng trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, khả năng truyền dạy, số lượng các học trò mà nghệ nhân đó đã trao truyền cũng được xem là căn cứ để nhận diện nghệ nhân.

Thực tế, tỉ lệ các nội dung này trong mỗi nghệ nhân cũng như giữa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể  có sự khác biệt. Sự khác biệt này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến như: đặc điểm loại hình di sản, hiện trạng thực hành. Thông thường, những nghệ nhân có tuổi nghề cao thường có nhiều “ngón nghề” trong thực hành di sản.

Có thể hiểu rằng, họ làm chủ việc thực hành di sản tốt hơn so với những nghệ nhân ít tuổi nghề. Với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể phụ thuộc vào con người, xuất hiện trong đời sống của con người, di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ, thực hành hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể đó.

Lời kết

Nhờ việc thực hiện tốt Nghị định 62/2014/NĐ-CP, các nghệ nhân thực hành loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được tôn vinh trọn vẹn và đầy đủ nhất có thể. Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba – 2021 đã thực sự hiệu quả và mang ý nghĩa to lớn. Hy vọng thông qua kế hoạch, những đề xuất các chính sách liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể sẽ được chú ý nhiều hơn trong tương lai.

Nguồn: Báo Văn hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *