Sự xuất hiện ngày càng dày đặc của các loại thức uống nhanh trên thị trường như: cà phê, nước ép,…Với những chiến lược Marketing rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, dần chiếm lĩnh thị trường đã dần đẩy các làng nghề sản xuất trà Gò Loi truyền thống vào thế yếu. Khó tìm được con đường phát triển trong tương lai lẫn dần “vắng bóng” trên thị trường.
Mục lục
Câu chuyện trà Gò Loi
Trà Gò Loi một thời là đặc sản gây được tiếng vang lớn của vùng Hoài Ân (tỉnh Bình Định), thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, đã chìm vào quên lãng và đánh mất thương hiệu dù đã từng vang bóng trong một thời gian dài.
Nông trường chè Gò Loi được thành lập tại tôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây, tọa lạc trên vùng đất trung du, miền núi huyện Hoài Ân vào năm 1979. Song gần 10 năm phát triển, nông trường trà Gò Loi đã tuyên bố giải thể vào năm 1998. Mỗi năm người trồng chè Gò Loi ở xã Ân Tường Tây đưa ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm trà khô với giá rất cao 300-500 ngàn đồng/kg, nhưng cũng không đủ cung cấp. Dưới áp lực cạnh tranh về số lượng cũng như giá cả, đồng thời người dân muốn chuyển diện tích trồng chè để trồng các cây công nghiệp khác nên nghề dần chìm vào quên lãng trên thị trường.
Nhưng giờ đây, với một quyết tâm, khao khát của người trồng chè, danh trà Gò Loi đã dần trở lại với thị trường. Trong đó cũng bao gồm những nỗ lực của chính quyền địa phương để đưa thương hiệu danh trà Gò Loi trở lại cũng như ngày một vươn xa.
Danh tiếng đến từ chất lượng
Theo các hộ sản xuất trà Gò Loi, tiêu chuẩn quan trọng để làm nên loại trà Gò Loi ngon nức tiếng là búp chè phải đạt 1 tôm 2 lá non. Chọn búp đinh (ngọn trên cùng của búp) ngắn, mập, chắc để khi sao xong sẽ cho đinh trà chắc, không bị vụn; nên hái vào buổi sáng sớm, khi vừa tan sương chưa có nắng để trà có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất. Trà Gò Loi chính hiệu khi hãm ra có màu vàng tươi, vị chát dịu, đậm đà và độ ngọt của nước trà Gò Loi chính là đặc trưng làm cho nhiều người nhớ đến.
Ông Nguyễn Hữu Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chè Gò Loi cho biết: Trong khoảng thời gian từ năm 1985- 1988, trà Gò Loi nằm ở đỉnh cao, diện tích trồng chè của nông trường ước khoảng 32 héc-ta, chưa kể diện tích trồng tự phát. Để nâng cao năng suất và tự động hóa dần quy trình, đang được các hộ ở Hoài Ân chế biến bằng phương pháp thủ công và bằng máy. Nhưng sau đó cây chè Gò Loi “chết dần” theo sự giải thể của nông trường.
Khát vọng vươn xa
Những năm gần đây, với hi vọng níu giữ danh trà Gò Loi, một số hộ đã gom hết tài sản để mua khoảng 10 ha chè mà không được quyền sở hữu đất. “Tôi và một vài hộ khác mua lại số ít diện tích đất có chè vì khao khát giữ lại thương hiệu trà Gò Loi. Lúc ấy, nếu tôi không mua thì diện tích chè sẽ hoàn toàn biến mất. Cây chè Gò Loi sẽ vĩnh viễn không xuất hiện trên thị trường nữa”, ông Oanh tâm sự.
Cũng theo ông Oanh, để vực dậy cây chè, ông còn đầu tư nghiên cứu nâng cao kỹ thuật chế biến và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm.
Ngày 19-5-2016, thương hiệu Trà Gò Loi đã chính thức được công nhận bởi Sở KH&CN, với tên nhãn hiệu “Hữu Oanh”. Như vậy, sau hơn 20 năm kể từ ngày nông trường chè Gò Loi giải thể, thương hiệu trà Gò Loi mới trở lại bằng chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính người dân Hoài Ân, những người bám đất bám nghề không từ bỏ. Hiện nay, giá trà khô rất cao khoảng 300 – 500 ngàn đồng/kg, nhưng không đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Việc khôi phục lại cây chè Gò Loi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân nơi đây.
Thành tựu đạt được
Hiện nay, danh hiệu trà Gò Loi ngày càng phát triển về số lượng hộ trồng cũng như diện tích trồng. Đến nay, Câu lạc bộ (CLB) chè Gò Loi có 24 thành viên tham gia với diện tích khoảng 15 ha; trong đó có 5 ha đang được thu hoạch. Tính trung bình, 1 héc-ta chè mỗi tháng thu 60 kg trà thương phẩm, sau khi trừ đi chi phí mỗi hộ dân trồng chè trong CLB có thu nhập hơn 10 triệu đồng/ tháng.
Ông Nguyễn Hữu Oanh, chủ nhiệm CLB chè Gò Loi nhìn nhận: Trà Gò Loi đã nổi tiếng từ lâu, nhưng cũng đang gặp khó khăn trong việc thực hiện cung ứng với số lượng lớn. Chỉ 1/3 diện tích trồng chè thực sự được khai thác Số lượng ít nên việc ký kết một hợp đồng lớn để cung cấp cho một doanh nghiệp hay nhiều đơn vị có cùng nhu cầu là rất khó. Chưa kể mùa vụ cây chè không kéo dài quanh năm mà chỉ thu hoạch trong 10 tháng.
Chính quyền vào cuộc
Theo UBND huyện Hoài Ân, cây chè là một trong 7 loại cây trồng nằm trong cơ cấu phát triển để trở thành hàng hóa trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện. Theo đó, cây chè được xếp đầu bảng, kế đến là bơ sáp, bưởi da xanh, dừa xiêm, sầu riêng…
Giai đoạn 2016 – 2020, huyện quy hoạch phát triển diện tích trồng cây chè đến 42,5 héc-ta. Hỗ trợ các hộ dân mới về. Vùng trồng chè nguyên liệu cũng không chỉ dừng ở xã Ân Tường Tây như bây giờ mà sẽ mở rộng ra nhiều xã. Hiện nay, để tiếp sức cho danh trà Gò Loi vang xa, huyện đã tổ chức đăng ký quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp nhãn hiệu chứng nhận với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), xác lập quyền nhãn hiệu chứng nhận cho trà Gò Loi. Từ đó giúp cho danh trà phát triển, lan rộng trong cả nước và xuất khẩu.
Tiếp lửa cho nhiều làng nghề
Với sự vực dậy và khởi sắc mạnh mẽ của trà Gò Loi, người ta có thể đặt niềm tin vào các làng nghề truyền thống của Việt Nam. Góp phần tiếp lửa cho những người đã và đang gắn bó với các làng nghề truyền thống có động lực tiếp tục duy trì.
Hơn hết, người dân cần lắm các sự hỗ trợ kịp thời từ chính phủ và chính quyền địa phương để có đủ điều kiện về cả vật chất và kỹ thuật để phát triển, vực dậy nhiều làng nghề khác. Chúng ta có thể hy vọng rằng trong tương lai không xa, hàng Việt Nam truyền thống có thể giành lại thị phần và hơn nữa là vươn xa ra thế giới.
Nguồn: Báo văn hóa