Trẻ em là độ tuổi hiếu động, tinh nghịch, hay vội vàng. Trong ăn uống lẫn vui chơi, các em đều tỏ vẻ rất xông xáo. Đôi khi, trẻ không biết về những điều không nên làm sau khi ăn, từ đó dẫn đến một số tình huống trớ trêu nguy hiểm.
Mục lục
Nhảy nhót sau khi ăn, bé trai nhập viện khẩn cấp
Mới gần đây, khoa Cấp cứu bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em – trực thuộc Đại học Y Quảng Đông cho hay vừa tiếp nhận trường hợp là cậu bé 4 tuổi tên Tiểu Dương, sống ở Quảng Đông, Trung Quốc. Cháu bé bị đau bụng dữ dội và kèm theo nôn ói. Gia đình Tiểu Dương cho hay, ngày hôm trước, sau khi dùng bữa tối, cháu bé trèo ngay lên giường ngủ, xếp chồng nhiều gối và chăn lên thật cao, rồi nhún nhảy tưng bừng trên đống chăn gối ấy một cách đầy thích thú.
Đang chơi đùa vui vẻ, bỗng nhiên bé Dương ôm bụng kêu đau rồi bắt đầu nôn mửa. Mẹ em cho uống thuốc giảm đau bụng rồi cho em ngủ sớm. Đến ngày hôm sau, các biểu hiện này vẫn không thuyên giảm, thậm chí bé còn kêu đau hơn. Quá lo lắng, người nhà đưa bé Dương đến bệnh viện thăm khám.
Giám đốc Khoa nhi – bác sĩ Hồ Vĩ Lai cho hay, bé Dương được đưa đến bệnh viện trong trạng thái sốc, môi và mắt em trắng bệch, bé mất khả năng nhận thức. Vừa đến bệnh viện, em lại tiếp tục nôn ói. Các bác sĩ nhanh chóng cho Tiểu Dương chụp CT ổ bụng, xét nghiệm máu. Bước đầu các bác sĩ kết luận bé Dương bị chướng bụng và tắc ruột.
Ca cấp cứu căng thẳng cho bé vì quậy phá sau khi ăn
Sau đó, bác sĩ Lai đã nhanh chóng hội chẩn với các khoa rồi chốt phương án phẫu thuật khẩn cấp cho bé Tiểu Dương. Em được truyền máu và truyền dịch liên tục trước và suốt ca phẫu thuật. Cuộc phẫu thuật gấp diễn ra trong căng thẳng, kéo dài hơn 2 tiếng. Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười khi ê-kip bác sĩ thông báo bé Dương đã qua cơn nguy hiểm.
Bác sĩ Hồ Vĩ Lai chia sẻ thêm, trong ca phẫu thuật, các bác sĩ đã phát hiện ra trong mạc treo của bé Tiểu Dương có một lỗ thủng. Đúng như dự đoán, nguyên nhân là do cậu bé đã vận động quá sức khi vừa ăn no. Ngoài ra, ruột non của bé chứa đầy thức ăn – những thứ bị đẩy vào lỗ thủng trên mạc treo. Đó là tác nhân làm cho 1,5 mét ruột non của bé bị hoại tử. Khi phần ruột này được cắt bỏ, các bác sĩ còn nhìn thấy nó nhiễm nhiều mủ màu đỏ sẫm và đã thấm vào khoang bụng.
Bài học cho cha mẹ cần quan sát con nhiều hơn
Người nhà tỏ ra lo ngại về việc 1,5 m ruột non của con phải cắt bỏ 1,5m vì lo sợ nó sẽ ảnh hưởng đến thể trạng tương lai của bé. Lúc này, bác sĩ Lai giải thích: Thông thường, chiều dài của ruột non trong cơ thể mỗi người là khoảng 3 mét. Sau khi cắt bỏ phần bị hoại tử, ruột non của bé Dương vẫn còn khoảng 1,7 mét nên tạm thời sẽ không có vấn đề nguy hiểm. Bác sĩ nhấn mạnh nếu chẳng may phần ruột bị hoại tử nhiều hơn, phải cắt bỏ nhiều hơn, có thể dẫn đến tình trạng ruột ngắn. Từ đó gây ra triệu chứng bé bị tiêu chảy thường xuyên, tác động ít nhiều đến tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng của bé.
Trường hợp này là bài học cho nhiều gia đình có con nhỏ. Đừng để bé lăn lộn, chạy nhảy quá đà khi vừa mới ăn cơm xong. Vì điều đó dẫn đến các nguy cơ về bệnh dạ dạy và tiêu hóa. Nếu bé Dương được đưa đến bệnh viện trễ hơn một chút thôi, có thể bé sẽ bị sốc do tuôn trào độc tố tích tụ lâu ngày trong cơ thể và thậm chí dẫn đến suy đa tạng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Những việc bé không nên làm sau khi ăn
Khi vừa ăn xong, ngoài việc tránh vận động quá mạnh như chạy, nhảy, bạn cũng cần để bé tránh thực hiện những việc sau đây:
Tắm: Tuyệt đối đừng tắm liền sau bữa ăn để tránh chứng đau bụng hoặc khó tiêu. Tắm là cơ thể được làm mát và nhờ đó giúp máu lưu thông dễ dàng tới da hơn. Chính vì lí do này, nếu tắm liền sau khi ăn, lượng máu mà dạ dày cần cho quá trình tiêu hóa thức ăn bị giảm xuống, từ đó gây ra chứng rối loạn tiêu hóa.
Uống nước lạnh: Hãy nhớ rằng nước lạnh sẽ làm cho các chất béo có trong thực phẩm có dầu nhanh chóng ngưng tụ lại. Đây cũng được xem là một tác nhân làm giảm hoạt động của enzyme trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Tốt hơn là nên cho bé uống một cốc nước lọc, hay tốt nhất là nước ấm sau mỗi bữa ăn.
Ngủ: Chớ ngủ vội ngay sau bữa ăn nó dễ dẫn đến thừa cân, béo phì. Do lượng calo từ bữa ăn cung cấp chưa kịp chuyển hóa cho bất kì hoạt động nào của bé. Ngủ là trạng thái cơ thể nghỉ ngơi, lúc này toàn bộ hoạt động trao đổi chất của cơ thể có phần bị chậm lại. Tốt hơn hết là hãy cho bé ngủ sau bữa ăn khoảng 2 tiếng.
Nguồn tham khảo: Eva.vn
Hồng Minh