Huyện đảo Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh là nơi mà người dân kiếm sống dựa vào biển. Hàng ngày mỗi sáng sớm, thủy triều rút ra xa ngoài khơi và để lại bãi cát pha còn đẫm nước biển. Đây là lúc các chị em phụ nữ bắt đầu công việc của mình. Họ vác mai đi ra bãi Chương Xá để đào sá sùng. Một công việc gắn liền với nhiều thế hệ, dẫu nhọc nhằn nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Vậy nên ai ai cũng gắn bó và mong chờ tương lai tốt đẹp hơn.
Mục lục
Đào sá sùng – một công việc vất vả
Buổi sáng tháng 7, tôi theo chân chị Hương ra bãi Chương Xá. Hôm nay là một ngày bình thường như bao ngày khác đối với người dân nơi đây. Họ bắt đầu một ngày với công việc đào sá sùng của mình. Sá sùng là một loài giun đốt, chỉ sống ở những bãi cát pha ven biển. Sống ở nơi có thuỷ triều lên xuống như vùng biển Vân Đồn.
Bãi Chương Xá rộng khoảng 400 héc-ta. Bãi chạy suốt chiều dài của các thôn thuộc xã Đảo Quan Lạn. Chị Hương cho biết, toàn xã đảo có 735 hộ thì hơn 500 hộ làm nghề đào sá sùng. Hầu hết phụ nữ ở Quan Lạn, Minh Châu đều gắn bó với nghề này. Cá biệt có người thâm niên lên đến hàng chục năm.
Dụng cụ “hành nghề” của những người phụ nữ săn lùng sá sùng rất đơn giản. Chỉ cần một chiếc mai và cái rá được móc quai bằng sợi dây thép để dễ dàng xách theo. Chiếc mai đào sá sùng được thiết kế hơi khác những chiếc mai thông thường. Lưỡi mai này khá dài và bằng chứ không cong. Lưỡi mai được mài sáng loáng. Chị Hương chia sẻ, chiếc mai ở đây phải đặt riêng một vài thợ rèn trên đảo. Nếu mua từ trong đất liền ra sẽ khó đào hơn và khi hỏng thì không có ai nhận sửa. Giá mỗi chiếc mai khoảng 430.000đ, có thể dùng được một năm hoặc hơn. Tuỳ vào lúc đào sá sùng, lưỡi mai có bị cấn vào sỏi, đá khiến bị mẻ hoặc quăn không.
Đào sá sùng – “nghề” dành riêng cho phụ nữ đảo Vân Đồn
Vừa đặt chân xuống bãi cát tôi đã thấy một người phụ nữ xắn mai xuống bãi cát với thao tác cực kỳ nhanh. Ngay sau đó là một cú bẩy nhẹ. Đống cát ở lưỡi mai được lật lên, một con sá sùng hồng hồng dài tầm 5cm đã nằm phơi mình. Người phụ nữ nhanh nhẹn nhặt chiến lợi phẩm còn dính cát, cho vào chiếc rổ. Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy một người phụ nữ khác cũng thoăn thoắt tay mai, và mỗi lần một con sá sùng bị “tóm”, chị lại đút ngay vào túi áo cánh.
Tôi bắt chuyện với một người phụ nữ tên Loan. Chị cho tôi biết việc đào sá sùng cũng không hề dễ như tưởng tượng. Loài giun biển này hễ có động là tụt xuống hang sâu rất nhanh. Có nhiều khi, đào tới 10 tổ mà không tóm được con nào. Vì vậy, những người phụ nữ có kinh nghiệm, đều thao tác rất nhanh và chuẩn xác. Động tác phải dứt khoát để lưỡi mai khi lao xuống cát, có thể chặn đứng đường “rút” của sá sùng.
Theo quan sát của tôi, chỉ chưa đầy hai tiếng, có người đã đào được cả cân sá sùng. Chị Hương cho biết, với giá trên 1 triệu đồng mỗi ký, trung bình mỗi ngày một người săn sá sùng cũng kiếm được tiền triệu.
Có một điều đặc biệt là đàn ông trên đảo không làm công việc này. Cả bãi sá sùng rộng mênh mông nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng một người đàn ông. Anh Tuấn, một tài xế xe điện cho biết, đàn ông ngoài đảo chủ yếu chở khách hoặc làm những công việc khác. Nghề đào sá sùng chỉ đàn bà làm, vì đó là công việc cần sự kiên nhẫn và tỉ mẩn. Điều này khiến tôi nhớ đến những người phụ nữ ở đảo Jeju – Hàn Quốc cũng ngày ngày lặn lội ngoài biển bắt bào ngư, lấy rong biển. Có đôi khi nghề chọn người.
Sá sùng – món quà của tạo hóa
Những con sá sùng tươi được thu mua ngay tại bãi, hoặc người đào được sẽ bán tại các điểm thu mua. Sá sùng tươi sau khi mua về được chế biến bằng cách lộn trái, rửa sạch cho ruột hết cát, hết mùi tanh. Sau đó sấy khô và đưa đến các điểm phân phối.
Sá sùng được coi là một nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao (chứa nhiều glutamat), hương vị thơm ngon. Đây loại hải sản một thời từng gắn với nồi nước lèo không thể thiếu ở các hàng phở Hà thành. Chúng cũng làm cho các bát bún thang trở nên có mùi vị thơm ngon đặc biệt. Đây là món quà tạo hóa mà biển ban tặng cho người người phụ nữ cần mẫn vùng biển đảo Vân Đồn.
Đọc thêm những tin tức thú vị khác tại Duyên dáng Spa bạn nhé!
Nguồn: Báo Văn Hóa