Nghệ nhân Lâm Liếp: Giữ lửa cho làng nghề đan lát

Việc giữ gìn làng nghề truyền thống vốn dĩ đã vô cùng khó khăn, nay còn khó khăn hơn gấp bội. Khi mà xã hội không ngừng bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng đâu đó, làng nghề đan lát truyền thống của đồng bào Khmer ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng vẫn trụ vững và trên đà phát triển. Một trong những nhân tố tích cực không thể bỏ quên chính là nghệ nhân ưu tú Lâm Liếp, người có công giữ gìn và hiện đại hóa làng nghề đan lát truyền thống, những mặt hàng mỹ nghệ của ông được đánh giá cao và trưng bày ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Lớn lên cùng tre, trúc

Nguyên liệu chính dùng đan lát là tre, trúc
Nguyên liệu chính dùng đan lát là tre, trúc

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống với nghề đan đát, từ nhỏ nghệ nhân Lâm Liếp đã được chính cha mình truyền cho những ngón nghề bí quyết, sau đó không ngừng trao dồi lấy kinh nghiệm. Có lẽ vì vậy, đến tận bây giờ ông được coi là một trong những người ít ỏi còn thể làm được nông cụ xưa như rổ, thúng, xà-gom (bắt cá), xà-ki (xúc lúa), cần xé, chõng tre, gầu song, gầu giai,…tất cả đều được làm bằng tre trúc.

Theo nghệ nhân Lâm Liếp, không ai biết chính xác nghề đan lát này có từ bao giờ, ông chỉ biết ngay từ khi còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ mình đan. Lớn lên cùng với khóm trúc, ngọn tre, ông xem chúng như người bạn tri kỉ. Đến tuổi lập gia đình thì cưới vợ, dựng nhà, dùng nghề đan lát truyền thống để mưu sinh đến tận ngày hôm nay.

Nắm giữ tri thức dân gian

Theo lời của nghệ nhân Lâm Liếp, nhiều năm trước đời sống của người dân xã Phú Tân còn nhiều khó khăn. Phải tự tay làm tất cả những vật dụng để phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày. Bản thân ông thì may mắn hơn khi gia đình vốn có truyền thống trong nghề. Nên ông được tiếp thu, rèn luyện các kĩ năng từ sớm, có khả năng làm ra các sản phẩm của bản thân ngay từ khi còn nhỏ.

Người Khmer có truyền thống, con trai đến tuổi phải đi tu để trả hiếu cho cha mẹ. Nên ông cũng xuất gia vào chùa tụng kinh, học chữ. Trong suốt 7 năm tu trả hiếu ở chùa, lúc có thời gian rảnh, ông Liếp vẫn chẻ tre đan lát cái này, cái nọ để nhắc nhở mình không quên nghề truyền thống của gia đình. Sau khi ông mãn hạn tu, hoàn tục về với gia đình, đất nước lại đang trong cảnh giặc dữ lầm than, chàng trai trẻ Lâm Liếp lúc bấy giờ lại hâm hở lên đường tham gia cách mạng. “Chớp mắt, vậy mà mấy chục năm, tui chỉ trở lại với nghề đan lát bắt đầu từ năm 1989 đến nay”, ông nói.

Giá trị truyền thống của nghề

Các sản phẩm đan lát đặc trưng
Các sản phẩm đan lát đặc trưng

Qua đôi bàn tay khéo léo của cả gia đình ông Liếp, những chiếc nan tre, thanh trúc vàng óng, tươi xanh được chẻ, vót tinh tươm, biến tre trúc thô cứng ấy thành ra hàng loạt nông cụ như rổ, rá, giỏ, thúng, cần xé, xà ngôm, xà neang, chiếc lợp, chiếc lờ… vừa đẹp mắt, tiện dụng và gần gũi. Người dân vùng Khmer Nam Bộ dùng những nông cụ này để sinh hoạt trong nhà, đánh bắt tôm cá,… và nhiều công việc khác nữa. Hiện nay những vật dụng này đều đã được sản xuất công nghiệp hàng loạt bằng chất liệu như nhựa, hợp kim sắt thép dễ bảo quản và giá thành rẻ hơn nhiều.

Người tiêu dùng vì lợi ích kinh tế cũng không dùng những sản phẩm đan lát truyền thống nữa. Ngày trước có nhiều người theo nghề rồi cũng bỏ vì thu nhập không đủ sống trong khi để làm ra được sản phẩm chất lượng tốn rất nhiều công sức.

Nghệ nhân Lâm Liếp bộc bạch, nghề đan lát là nghề truyền thống của gia đình, cho dù đan lát không đủ sống, phải vất vả kiếm thêm từ các công việc khác, thì ông vẫn miệt mài gìn giữ nghề xưa. Nghề đan lát là nghề truyền thống của gia đình, giữ gìn nghề chính là giữ gìn văn hóa.

Hiện đại nhưng không mất đi giá trị truyền thống

Tuy phần lớn người dân không còn sử dụng các vật dụng đan lát cho nhu cầu hằng ngày như xưa kia, nhưng ngày nay nhiều người lại ưa chuộng để làm sản phẩm trang trí, dụng cụ học tập, quà lưu niệm… do vậy mà công việc đan lát của gia đình ông lại tất bật bận rộn trở lại, nghê nhân Lâm Liếp phấn khởi khoe với đoàn.

Hôm chúng tôi đến thăm, ông đang vót nan chuẩn bị đan một quả địa cầu thật lớn. Đây là mô hình được thực hiện theo đặt hàng từ một trường trung học cơ sở, dùng làm giáo cụ trực quan cho học sinh môn địa lý ở trường.

Đem lửa đam mê gói gọn vào từng sản phẩm

Tính đến nay nghệ nhân Lâm Liếp đã làm ra hàng ngàn sản phẩm thủ công bằng tre trúc, đủ loại kích cỡ, chủng loại. Trong đó hầu như đều là những nông cụ của đồng bào Khmer Nam Bộ. Nhiều sản phẩm của ông đang được trưng bày ở các hội chợ, triển lãm, tái hiện trong các bảo tàng, nhà truyền thống…

Nghệ nhân tâm sự, “Có người đặt tui làm xe đạp nước, nông cụ này nghe nói chỉ phổ biến ở tỉnh Trà Vinh, chắc tui phải tranh thủ qua đó một chuyến xem thế nào mới về làm được”. Vì đây là một đơn đặt hàng khá mới, ông Liếp phải tự mày mò, tìm hiểu kỹ thuật chế tác đặc thù của từng bộ phận, ông học hỏi từ chiếc  ghe Ngo, xuồng ba lá, cày, bừa, trục (mô hình nhỏ),…

Năm 2019, Sở VHTT-DL tỉnh Sóc Trăng đã tài trợ kinh phí để ông dựng một ngôi nhà nhỏ bằng lá ngay nhà ông đang sinh sống ở xã Phú Tân, để trưng bày những hiện vật là các nông cụ gắn liền với đời sống đồng bào Khmer Nam Bộ, do chính ông đan lát, chế tác. Công trình nhà trưng bày hứa hẹn sẽ có đến hàng chục tác phẩm nông cụ truyền thống của làng ghề đan lát do chính nghệ nhân Lâm Liếp thực hiện đang được gấp rút hoàn thành trong năm nay.

Thu hút thị trường

Gần đây, xu hướng giảm sử dụng đồ nhựa đã trở thành trào lưu trong việc tiêu dùng. Từ đó, khiến người tiêu dùng nhận thức được tác hại của việc sử dụng chất thải nhựa quá nhiều không những sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây nên nhiều hệ lụy cho môi trường biển, đất, không khí. Họ tìm hiểu và sãn sàng mua với giá cao hơn hẳn để sở hữu cho mình những sản phẩm xanh thân thiện với môi trường. Vì vậy, chỉ cần những làng nghề truyền thống như đan lát sở hữu cho mình những sản phẩm chất lượng và được hỗ trợ thêm về marketing để đến gần hơn với khách hàng thì việc giữ gìn làng nghề truyền thống sẽ không còn quá khó khăn nữa.

Nguồn: Báo Văn hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *