Nâng cao vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu

Thời gian qua, Việt Nam đã tập trung xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ dựa trên lợi thế của sản phẩm đặc sản địa phương, vùng miền. Bên cạnh đó, phát huy lợi thế và thế mạnh của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp cận với những sản phẩm có quy mô sản xuất hàng hoá lớn như lúa gạo thì thương hiệu quốc gia là cần thiết để tạo dựng hình ảnh, vị trí và thúc đẩy thương mại sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Gạo ST25 được chọn là loại gạo ngon nhất thế giới

Gạo ST25 của Sóc Trăng được sản xuất, lai tạo từ giống lúa thơm nổi tiếng của vùng đất Sóc Trăng gắn liền tên tuổi của Kỹ sư Hồ Quang Cua và nhiều năm liền là gạo ngon nhất trong các hội thi cấp tỉnh, cấp vùng. Ngày 4/11, gạo ST25 đạt giải nhất trong cuộc thi gạo ngon Việt Nam do Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức.

Mới đây, tại cuộc thi Gạo ngon thế giới (World’s Best Rice), gạo ST25 mới đây được chọn là gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, điều này không chỉ góp phần nâng uy tín của gạo Việt trên trường quốc tế mà còn là động lực để các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đầu tư vào sản xuất gạo chất lượng cao.

Khả năng cạnh tranh của thương hiệu lúa gạo Việt

Gạo Việt chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Như Cường, trong những năm gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam với mục đích là nâng tầm ngành sản xuất lúa gạo.

Việc gạo ST25 đứng đầu về gạo ngon thế giới có ý nghĩa quan trọng về tinh thần cho những người nông dân sản xuất ra những hạt gạo đạt chất lượng tầm thế giới. Điều này cũng thể hiện định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo đã đi đúng hướng. Việc sản xuất nên các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao đã đánh vào đúng nhu cầu của thị trường thế giới.

Dù trước giờ lúa gạo Việt Nam luôn được đánh giá là có chất lượng kém hơn các sản phẩm cao cấp của Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ,…nhưng tin rằng với điều kiện ưu thế về đất đai tự nhiên, con đường cạnh tranh sẽ ngày một được rút ngắn.

Trong khi các giống lúa chất lượng cao của Việt Nam hiện nay; trong đó, có ST25 đều thích hợp với các vụ, có thời gian sinh trưởng ngắn nên có thể trồng được 2 vụ/năm, năng suất lúa cũng cao hơn.

Xây dựng thương hiệu xuất khẩu

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất lúa cho xuất khẩu, điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh trong toàn vùng cho thấy, nhóm lúa thơm, đặc sản chiếm tỷ lệ trên 32% tổng diện tích gieo cấy, tăng 2,5% so với Đông Xuân 2017-2018; nhóm chất lượng cao chiếm tỷ lệ 36%, tăng 3%; nhóm chất lượng trung bình chỉ còn chiếm tỷ lệ 16,52%, giảm 2,84%.

Theo lời mời của Hiệp hội lương thực Việt Nam để tìm kiếm cơ hội tăng cường giao thương giữa hai bên. Mới đây, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong (Trung Quốc) đã đến Việt Nam. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, gạo Việt Nam được người tiêu dùng Hồng Kông đánh giá là thơm, ngon và nhiều triển vọng tăng lượng xuất khẩu vào thị trường này.

Liên kết chuỗi sản xuất

Kỹ sư Hồ Quang Cua bên cánh đồng lúa ST

Là một trong những doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ, ông Trần Ngọc Nam, Tổng giám đốc Công ty Đại Nam cho biết, doanh nghiệp đã liên kết với nông dân ở Quảng Trị, Thái Bình, một số tỉnh ở miền Tây… xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ bằng công thức chỉ “bón phân hữu cơ Ong Biển và tưới nước.” Đây hiện đang là xu hướng sản xuất của các doanh nghiệp gạo Việt, chú trọng vào các sản phẩm hữu cơ và cao cấp.

Các vùng sản xuất tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như bất cứ loại phân hóa học nào.

Mô hình chuỗi liên kết đã này đến nay đã thực hiện được khoảng 3 năm và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Năng suất lúa ổn định, khi thu hoạch lúa của nông dân được doanh nghiệp thu mua luôn tại chân ruộng với giá thành đã được doanh nghiệp ký kết trước đó.

Hiệu quả đạt được

Ông Trần Ngọc Nam còn cho biết, sản phẩm gạo hữu cơ được doanh nghiệp canh tác tại Quảng Trị vừa qua được Đại học Hiroshima của Nhật Bản công bố có 2 hợp chất quý Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) cao gấp rất nhiều lần so với gạo thường. Đây là 2 chất có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, cũng như bệnh gút. Bên cạnh đó, sản phẩm còn đạt cả trên 500 chỉ tiêu về chất lượng.

Người nông dân trồng gạo hữu cơ không còn lo đầu ra cho sản phẩm, không bị thương lái ép giá, thu nhập ổn định ở mức từ 30-40 triệu đồng/ha sau khi đã trừ đi các chi phí. Thay vì trồng trọt tự phát không theo quy chuẩn như trước đây, người nông dân được cung cấp giống, hướng dẫn canh tác. Điều đó đáp ứng được các nhu cầu ngày càng cao của các thị trường lớn về truy xuất nguồn gốc, chứng từ đảm bảo chất lượng.

Doanh nghiệp và người nông dân

Doanh nghiệp phân phối ST25

Để giải quyết khó khăn của xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng chỉ có một cách duy nhất là thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất tiêu thụ theo nhu cầu của thị trường.

Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, để ngành gạo Việt Nam phát triển ổn định cần chọn sản phẩm có giá trị cao, được nhiều thị trường chấp nhận để phát triển, đơn cử như gạo Jasmine.

Song song đó, doanh nghiệp cũng phải đổi mới cải tiến kỹ thuật, xây dựng cơ chế quản lý, tiếp cận trực tiếp đến người dân để không vấp phải tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu.

Ông Nguyễn Như Cường cho biết, sau khi có đánh giá về quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo, Cục Trồng trọt sẽ tư vấn lãnh đạo Bộ có những định hướng trong sản xuất, phát triển phù hợp với từng phân khúc thị trường.

Những bất cập cần giải quyết

Do sức hút khá mạnh của gạo ST25 nên người tiêu dùng tại TP.HCM đang rất khó phân biệt. Bởi chỉ cần ra chợ truyền thống hoặc tìm mua gạo ST25 trên các trên mạng Internet đều thấy họ rao bán gạo ST25 với nhiều loại bao bì và giá gạo khác nhau.

Về hiện tượng gạo giả thương hiệu ST25, chuyên gia kinh tế cho rằng các sản phẩm hàng giả hàng nhái là không thể tránh khỏi, khi mà lòng tham con người vẫn lớn hơn sĩ diện và danh dự. Luật pháp vẫn chưa nặng tay đối với những hành vi làm hàng giả, hàng nhái là nguyên nhân chính khiến nó kéo dài chưa thể triệt tiêu được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp, đến chủ thương hiệu gạo đó mà còn làm giảm uy tín ngành gạo Việt.

Vì vậy, khi đã xây dựng được thương hiệu thì phải làm sao giữ gìn và bảo vệ được thương hiệu đó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài thì cần được đăng kí và bảo hộ tuyệt đối.

Nguồn: Báo văn hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *