Khôi phục làng nghề truyền thống, đâu là nơi bắt đầu?

Các làng nghề truyền thống một khi được khôi phục, bảo tồn sẽ tái hiện lại bức tranh sống động về một thời hoàng kim của dân tộc ta mấy trăm năm nay. Để lớp lớp con cháu có thể biết ông cha chúng ra đã sáng tạo như thế nào trong những năm tháng túng thiếu ấy, để thế giới biết về một Việt Nam có cả ngàn năm văn hiến và nhiều di sản không bị xói mòn theo thời gian.

Tìm về những làng nghề truyền thống

Mặc dù nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống nhưng giờ đây hầu hết các làng nghề nổi tiếng như: sơn mài Đông Mỹ (Thanh Trì), giấy dó Vân Canh, tranh sơn mài Kim Hoàng (Hoài Đức), dệt the La Khê (Hà Đông), gốm Phú Sơn (Sơn Tây), đúc đồng Ngũ Xã, giấy dó Bưởi (Ba Đình),…đều gần như bị thất truyền vì không còn nghệ nhân giữ nghề. Nguyên nhân chính được cho là do không có người truyền nghề hoặc là do thu nhập quá thấp nên nghệ nhân đã chuyển sang các ngành nghề khác.

Quyết tâm vực dậy các làng nghề truyền thống

Đèn cá hóa long, mẫu đèn truyền thống xưa được ông Trịnh Bách cùng các nghệ nhân khôi phục

“Các nghề truyền thống trong nước cứ mất dần đi trước mắt mình. Không làm gì đó thì sẽ mất hết” là những trăn trở của nhà nghiên cứu Trịnh Bách để làm sao truyền thống dân tộc được tiếp nối. Với ý tưởng và tâm huyết của một người luôn trân trọng và có mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, ông đã bắt đầu từ việc làm nên những món đồ chơi Trung thu mang đậm văn hóa Việt.

Không chỉ mỗi đèn Trung thu, với mong muốn khôi phục nhiều làng nghề truyền thống hơn nữa, ông Trịch Bách đã đi nhiều nơi tìm kiếm. Gần đây, ông mới có duyên gặp được nghệ nhân làm đèn Trung thu ở TP.HCM và làm con giống bột xưa ở Hà Nội. Con đường khôi phục truyền thống bắt đầu với không ít gian nan, “Khó nhất là tìm được nghệ nhân biết nghề, yêu nghề và nhất là có tâm nghề. Rồi việc tìm nguyên liệu gốc cũng khó, bởi qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước với chiến tranh, loạn lạc, thiếu thốn, nhiều “ngón nghề” đã hoàn toàn biến mất”, Trịnh Bách nói. Đồng thời muốn tìm kiếm những người trẻ có niềm đam mê với những nghề thủ công truyền thống càng ngày một khó khăn hơn.

Hồi tưởng và phục chế

Những năm 1998, trong một dịp tình cờ, Trịnh Bách gặp được anh Đặng Văn Hậu, một người nặn tò he rất khéo tay ở Phú Xuyên (Hà Nội). Tuy nhiên, hỏi Hậu và cả ông ngoại của anh về con giống bột chơi tết Trung thu thì không ai biết.  10 năm sau, vào năm 2017, Đặng Văn Hậu vô cùng may mắn được gặp bà Phạm Nguyệt Ánh ở Nhân Hòa (Hà Nội). Người được coi là nghệ nhân cuối cùng của dòng con giống bột Đồng Xuân.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho biết: “Với kiến thức của bà Nguyệt Ánh, tay nghề của Đặng Văn Hậu và những tìm tòi, nghiên cứu của tôi, ba chúng tôi đã khôi phục lại được một số con giống bột màu theo cổ truyền”.

Việc tìm kiếm nguyên liệu để phục dựng những tác phẩm cũ cũng không hề đơn giản. Từ năm 2007, ông Trịnh Bách đã không ngừng tìm kiếm, thăm dò ở khu Phú Bình, quận 11, TP.HCM. Đây đã từng là noi chuyên chế tác và bán đèn trung thu ngày ông còn bé để tìm nghệ nhân có tay nghề cao cùng chung chí hướng khôi phục lại nghệ thuật truyền thống này.

Nhưng mãi đến năm 2017 ông mới có cơ duyên gặp được một gia đình từng có truyền thống làm đèn Trung thu từ nhiều đời ở làng Báo Đáp (Nam Trực, Nam Định). Kể từ đó, những chiếc lồng đèn cổ xưa dần thành hình, mang phong cách Báo Đáp độc đáo của những năm 1950.

Vun đắp niềm tin

Dạy trẻ em cách làm đèn trung thu

Nhìn lại hành trình tìm về truyền thống những năm qua của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, không ít người ví ông như người “giữ lửa Tết Trung thu”. Còn bản thân ông lại xem đó như trách nhiệm mà ông cha ta đã giao lên vai của những thế hệ sau, là điều cần phải cố gắng làm cho bằng được, ông chia sẻ: “Qua những việc làm cụ thể của mình, tôi không dám mong mỏi gì hơn là khôi phục lại được những truyền thống quý báu của đất nước, để mọi người biết được giá trị văn hóa nước Việt”. 

Để thực hiện được mục tiêu khôi phục nhiều làng nghề truyền thống hơn, cần lắm sự hỗ trợ của chính quyền dành cho các làng nghề trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu, nhất là làng nghề truyền thống. Nâng cao vai trò việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu làng nghề tới khách hàng trong và ngoài nước. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân thành thạo tay nghề tiếp tục bám trụ phát triển nghề. Đồng thời, hơn hết phải bồi dưỡng những nghệ nhân mới thật sự tâm huyết để làng nghề truyền thống nào cũng được duy trì.

Nguồn: Báo văn hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *