Hàng Việt Nam thâm nhập vào chuỗi bán lẻ hàng đầu Hoa Kỳ

Thời gian qua, nhiều sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam như áo sơ mi, nước dừa, thanh long, khoai lang, chuối và mới đây nhất là quả vải thiều tươi đã nhận được giấy thông hành xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ. Và với những khởi đầu tốt đẹp đó, việc các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị hành trang để đưa các sản phẩm Việt Nam đến với Walmart – chuỗi bán lẻ hàng đầu Hoa Kỳ là hoàn toàn hợp lí.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu

Nhà nước là cầu nối

Hệ thống bán lẻ nước ngoài mà dễ thấy nhất là các chuỗi bán lẻ là giải pháp hiệu quả và nhanh chóng nhất để đưa hàng Việt ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc xuất khẩu qua kênh bán lẻ hiện đại không phải là điều dễ dàng. Các nhà phân phối tại nước ngoài có yêu cầu khắt khe hơn hẳn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng được về công nghệ, chất lượng mà giá cả vẫn phải ở mức cạnh tranh so với các thị trường lớn khác như Thái Lan, Indonesia,…

Nhằm kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối chuỗi bán lẻ ở nước ngoài, vào ngày 17/7 tại TP Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức tọa đàm “Chiến lược hợp tác với Tập đoàn bán lẻ Walmart”. Tại đây thu hút nhiều đại diện lớn của các ngành hàng tại Việt Nam tham dự.

Tọa đàm kết nối doanh nghiệp

Bước tiến mạnh mẽ

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, cho biết thị trường Việt Nam thu hút ngày càng nhiều tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài tham gia, trong đó có Walmart, chuỗi siêu thị hàng đầu nước Mỹ.

Buổi tọa đàm là nội dung hợp tác quan trọng xoay quanh việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án “thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài” do Thủ tướng Chính phủ đề xuất Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương có nhiệm vụ tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khả năng để hỗ trợ Walmart xây dựng được hệ thống các nhà cung cấp đủ năng lực, nâng cao số lượng các sản phẩm gắn nhãn “Made in Viet Nam” được bán tại chuỗi siêu thị này trên toàn thế giới.

Đại diện Walmart trả lời

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Johnny Fung, Giám đốc của Tập đoàn Walmart, cho biết hiện chuỗi siêu thị khổng lồ này có mặt tại 28 quốc gia, doanh thu thuần trong năm 2018 ước đạt trên 500 tỷ USD. Với số lượng khách hàng mua sắm bình quân 270 triệu khách/ tuần nên việc đa dạng hóa các sản phẩm là vô cùng thiết yếu.

Walmart cho biết sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường nhận thức về việc đáp ứng được tiêu chuẩn kép là tăng trưởng bền vững đi đôi với thực hành trách nhiệm xã hội. Trong đó, các mặt hàng được Walmart chọn mua trước tiên sẽ là các sản phẩm thủy sản đã qua sơ chế, thực phẩm như rau củ, trái cây sấy, đồ nội thất, đồ gia dụng, đồ chơi… Và việc mở rộng nguồn cung hàng hóa sẽ được thực hiện liên tục, đáp ứng nhu cầu mở rộng các chi nhánh của Walmart ra toàn cầu.

Lắng nghe doanh nghiệp Việt

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), bà Tô Tường Lan cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp thủy sản là tuân thủ các tiêu chuẩn kép, vừa mong muốn sự hỗ trợ từ Walmart vừa giữ được tốc độ tăng trưởng bên vững, thực hiện các nhiệm vụ với xã hội.

Tương tự, các đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa),…cũng nêu lên những vướng mắc trong việc tiêu chuẩn hóa ngành hàng, mong muốn Walmart hướng dẫn cụ thể.

Cụ thể, ông Johnny Fung cho biết, Walmart sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất. Hơn nữa tăng cường nhận thức cho doanh nghiệp về bảo đảm tiêu chuẩn lao động, tiền lương , tuyệt đối không sử dụng lao động trẻ em,… Có như vậy mới đáp ứng được tiêu chuẩn kép là tăng trưởng bền vững đi đôi với thực hành trách nhiệm xã hội ứng với phương châm của Walmart.

Hướng đến nhiều chuỗi siêu thị khác

Rõ ràng, hệ thống bán lẻ nước ngoài mang lại cơ hội xuất khẩu cực lớn cho hàng Việt Nam. Là một trong những lĩnh vực được kì vọng sẽ đóng góp vào GDP nhiều nhất. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu gần đây, Bộ đang thực hiện chính sách hỗ trợ để kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống bán lẻ ngoài nước. Đồng thời, tiến hành xây dựng, tổng hợp cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp uy tín. Đảm bảo yêu cầu của Việt Nam để giới thiệu với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài. Mục tiêu gần nhất chính là chuỗi siêu thị AEON đến từ Nhật Bản.

Nguồn: Báo Văn hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *