Doanh nghiệp Việt khó vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Dù đã có nhiều tập đoàn quốc gia có hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh tại Việt Nam (FDI). Nhưng do những hạn chế về năng lực sản xuất, hạ tầng cung ứng, logistics… nên phần lớn các doanh nghiệp Việt chỉ tham gia được ở những khâu thấp nhất trong chuỗi cung ứng là lắp ráp và gia công. Nguyên nhân chính được cho là do thiếu kiến thức về tiêu chuẩn quốc tế. Nên việc các doanh nghiệp việc muốn dấn thân vào sân chơi này thực sự khó khăn.

Doanh nghiệp Việt Nam khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Thu hút đầu tư

Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các sản phẩm in ấn, bao bì. Một số tham gia ở khâu cao hơn nhưng chỉ làm nhà cung cấp cấp 3, cấp 4 với các đơn hàng nhỏ lẻ. Trước đó, với hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, doanh nghiệp nội địa cũng không thể đón bắt được các cơ hội.

Với hàng loạt các chính sách thu hút FDI, đặc biệt ưu tiên cho các tập đoàn lớn đa quốc gia. Điều này đã giúp cho hoạt động đầu tư nước ngoài có nhiều điểm mới khi có sự xuất hiện của nhiều dự án của những nhà đầu tư tên tuổi trên thế giới như: LG, Samsung, Intel, Microsoft, Mitsubishi… Đây được xem là “cơ hội vàng” cho doanh nghiệp sản xuất thiết bị, linh phụ kiện Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực sản xuất.

Thành quả không như mong đợi

Hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt

Nhưng theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Tỷ lệ cung ứng mới chỉ đạt 33,2%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Đơn cử trường hợp của “ông lớn” giới công nghệ là Intel, ông Nguyễn Thanh Tâm, quản lý thu mua của Intel Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp cung ứng cho Intel chủ yếu trong lĩnh vực bao bì đóng gói, vật liệu làm sạch, thuốc tẩy… Còn với những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao thì doanh nghiệp nội vẫn chưa có khả năng đáp ứng, trong khi mỗi năm Intel vẫn phải chi ra cả tỷ USD để nhập khẩu”. Và chỉ có hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng chính thức cho Intel.

Nguyên nhân do đâu

Lý giải về thực tế này, một chuyên gia nước ngoài cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù đang sở hữu từ công nghệ, năng lực quản trị cho đến toàn bộ chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh… nhưng vẫn chưa có đầy đủ kiến thức để đưa sản phẩm của mình vào chuỗi cung ứng tiêu chuẩn quốc tế của các doanh nghiệp FDI.

Mặc dù nhận thấy nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư vào máy móc, thiết bị sản xuất. Bên cạnh việc mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu hội nhập hiện nay. Nhưng ông Mike Dickinson – Cố vấn cấp cao của Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết. Việc thiếu hụt kiến thức về các quy chuẩn quốc tế cũng là một rào cản lớn để có thể giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận chuỗi cung ứng.

“Các nhà cung ứng của Việt Nam thiếu hụt kiến thức về tiêu chuẩn quốc tế nên khi tham gia sân chơi này thực sự là một khó khăn”, ông Mike Dickinson nhận xét.

Hạn chế của doanh nghiệp Việt

May quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xí nghiệp May Hà Quảng, TP Đồng Hới (Quảng Bình)

Thừa nhận những hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp FDI thường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp và tiến độ giao hàng, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được.

Mâu thuẫn ở chỗ là trong khi các doanh nghiệp FDI muốn đặt hàng, họ thường yêu cầu nhà cung ứng phải chứng minh được năng lực, công nghệ hiện đại, có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thậm chí phải có các chứng chỉ về quản lý môi trường, về trách nhiệm xã hội…

Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đa số đều ở quy mô vừa và nhỏ. Chưa kể đến là siêu nhỏ thì không có vốn đầu tư, cần đơn đặt hàng chắc chắn mới dám đi vay vốn đầu tư mở rộng nhà xưởng.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt

Về năng lực tư duy, có thể khẳng định doanh nghiệp Việt Nam không thua kém các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước hiện đầu tư rất ít cho khoa học công nghệ, nên năng suất lao động thấp và năng lực thực hành yếu. Điều này cản trở việc doanh nghiệp có đủ điều kiện để tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh và chủ động hội nhập, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu thực tế.

Đồng thời cũng đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Hỗ trợ vốn đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội mở rộng quy mô, gia nhập vào thị trường cung ứng toàn cầu cho các ông lớn FDI.

Nguồn: Báo văn hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *