Câu chuyện về làng gốm Hương Canh

“Ai về mua vại Hương Canh, Ai lên mình gửi cho anh với nàng”, câu thơ gắn liền với lịch sử hơn 300 năm của làng gốm Hương Canh, Vĩnh Phúc. Làng gốm Hương Canh vốn nổi tiếng là làng gốm cổ sành với những sản phẩm đặc trưng vô cùng nổi tiếng như chum vại, bình ly, ấm chén,… với cấu tạo độc đáo riêng biệt và độ bền cao.

Ngược dòng về lại Hương Canh

Hình thành

Hơn 300 năm hình thành và phát triển của Hương Canh, từ một làng nghề đông đúc nhộn nhịp nay lại dần chìm vào quên lãng có lẽ là do những đồ dụng chum, vại, tiểu truyền thống của cha ông đã không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhưng người ta chỉ nhìn thấy những gì còn lại mà ít ai chịu khó đi sâu tìm hiểu về nguồn gốc hình thành của làng gốm truyền thống này.

Vào thời Lê – Trịnh, sau chiến tranh, thấy xóm làng tiêu điều, dân chúng trôi dạt đói khát không kế mưu sinh, quan Nội phủ Trịnh Xuân Biên lại nhận ra điều kiện thổ nhưỡng ở làng gốm Hương Canh chủ yếu là đất sét xanh, có nhiều “thịt” nên tìm người về dạy dân trong làng làm nghề gốm. Gốm khi ra lò chất cứng có màu nâu đất đặc trưng, gõ vào phát ra âm vang độc đáo hơn hẳn gốm sứ thông thường.

Nguyên liệu đất sét xanh

Mặc dù tuổi đời gốm Hương Canh có thể ít hơn những làng gốm sứ khác nhưng vẫn được ưa chuộng vì nguyên liệu làm ra gốm là đất sét xanh. Đất sét xanh của Hương Canh hội tụ những ưu điểm độ mịn, độ béo và độ dẻo dai rất cao nên các sản phẩm làm ra không cần tráng men vẫn có độ bóng, ăn điểm ở sự mộc mạc giản dị mà vẫn đảm bảo sức hút về thẩm mỹ.

Thêm là do cấu tạo của đất Hương Canh là “thịt” nhiều nên khi các sản phẩm được nung già lửa thì sẽ không còn tồn tại hiện tượng bóng khí, độ kín lớn, ánh sáng cũng như nước không thể thẩm thấu được bên trong hay bào mòn sản phẩm nên những sản phẩm như chum đựng rượu, bình trà…. Trở thành sản phẩm đặc trưng được ưa chuộng nhất của gốm Hương Canh thời bấy giờ.

Nét đặc trưng của làng nghề

Một góc tường làng gốm Hương Canh
Một góc tường làng gốm Hương Canh

Theo chân về làng gốm Hương Canh, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách là hầu hết tường rào của các nhà trong làng đều được ghép bằng những viên ngói, miếng sành, gốm mà theo tìm hiểu thì được biết đó là những sản phẩm không đạt yêu cầu đã được tái chế để trưng dụng lại. Trước đây, khi chưa bước vào quá trình hiện đại hóa, cái thời chưa có tủ lạnh, ti vi thì cả làng có đến vài trăm ngôi nhà có tường rào như vậy, đây cũng chính là dấu hiệu cho mọi người biết những nhà đó là có lò nung gốm nung gạch, ngói.

Hồi ức về thời hưng thịnh của gốm Hương Canh

Trong khoảng thời gian dài từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước, gốm Hương Canh đã gây được tiếng vang lớn trên thị trường gốm sứ, sản phẩm gốm Hương Canh làm ra đến đâu bán hết đến đó, cung không đủ cầu, mỗi dịp Tết đến khi nhu cầu tăng vọt có lúc bà con làng gốm sản xuất không kịp mà phải thuê thêm người làng khác để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đây là dấu mốc một thời vàng son của làng gốm Hương Canh. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, sự xuất hiện và chiếm giữ của những sản phẩm hiện đại, làng gốm Hương Canh đã không còn hưng thịnh như trước. Tuy nhiên nghề gốm nơi đây vẫn giữ cái hồn riêng, những đặc trưng tính tính như thuở ban đầu, một số nghệ nhân lâu năm vẫn miệt mài theo nghề và tìm kiếm những mầm non cho thế hệ tiếp theo.

Thay đổi để thích ứng

Anh Nguyễn Hồng Quang, người trẻ giữ lửa cho Làng gốm
Anh Nguyễn Hồng Quang, người trẻ giữ lửa cho Làng gốm

Với sự phát triển của xã hội thì thay đổi để đáp ứng nhu cầu là cần thiết để tiếp tục tồn tại, làng gốm Hương Canh lại chuyển sang sản xuất gạch, ngói. Không chỉ riêng những hộ dân làng gốm mà những hộ dân trong khu vực nhận thức được thị trường rộng lớn của hướng đi mới này cũng rủ nhau xây lò nung sản xuất gạch ngói.

Ngói Hương Canh nổi tiếng khắp các tỉnh thành phía Bắc thời bấy giờ bởi màu sắc đỏ tươi, độ bền cao, ít cong vênh hơn so với các sản phẩm nơi khác. Ông Trần Đoàn, người làm gạch ngói có thâm niên hàng chục năm ở làng gốm Hương Canh cho biết:

“Thời bấy giờ cả làng Hương Canh có hàng trăm lò nung gạch ngói hoạt động ngày đêm nên cả làng không có nổi một bóng cây, cả làng khói bụi mù mịt, ai cũng biết môi trường ô nhiễm nặng nhưng vì thu nhập quá tốt nên ai cũng mặc kệ. Về sau chính quyền thấy tình trạng khai thác đất của người dân đã vô cùng nghiêm trọng, không chỉ lấy đất ao, hồ mà người dân còn đào cả đất ruộng nên bắt đầu siết chặt việc quản lý sản xuất gạch, ngói. Từ việc bị siết chặt quản lý cộng với đất nguyên liệu nhập nơi khác về không đạt yêu cầu nên việc làm gạch ngói trong làng bắt đầu mai một dần đi”.

Hi vọng vực dậy làng nghề

Mong mỏi từ chính quyền

Làng nghề Hương Canh phát triển là vậy. Nhưng đến nay cũng chỉ còn bốn hộ dân trong làng tiếp tục làm ra các sản phẩm cổ truyền như chum đựng rượu, bình gốm,…mà vẫn giữ nguyên vẻ mộc mạc từ đất sét nung mà không dùng men phủ bên ngoài. Cũng theo ông Cự chính quyền nên có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ dân làm nghề gốm Hương Canh tiếp tục bám nghề. Trước mắt là cấp cho một địa điểm sản xuất cố định để các hộ dân, các cơ sở sản xuất tách biệt với khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho khách hàng có điều kiện mua sắm tập trung.

Hơn nữa các nghệ nhân, thợ lành nghề như thế hệ ông đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, không biết còn sức khỏe để bám nghề đến bao giờ. Nên hy vọng chính quyền các cấp có kế hoạch sớm thu hút đào tạo thế hệ tiếp theo, tránh cho một làng nghề cổ truyền hàng trăm năm bị thất truyền.

Người tiêu dùng hiện đại

Không chỉ riêng làng gốm Hương Canh, ở nước ta hiện nay vẫn còn hàng trăm làng nghề truyền thống bị bỏ quên. Tất cả đều đang loay hoay tìm đường thích ứng với thị trường mới với mong muốn được vực dậy lần nữa. Để điều này có thể thành hiện thực trong tương lai gần, thiết nghĩ không chỉ cần sự cố gắng phát triển của những nghệ nhân làng nghề và sự hỗ trợ từ chính quyền, mà còn cần lắm sự quan tâm tìm hiểu của thế hệ trẻ đến những sản phẩm cổ truyền. Nhận ra, cảm nhận và chọn tiêu dùng những sản phẩm từ làng nghề truyền thống sẽ góp phần bảo vệ văn hóa Việt Nam.

Nguồn: Báo Văn hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *